Phong cách và phân tích Kiyochika Kobayashi

Bộ tranh biếm họa Marumaru Chinbun có lẽ nằm những tác phẩm đáng nhớ nhất của Kiyochika. Tính hài hước của nó thường nhắm vào ranh giới khác biệt giữa người bản địa và ngoại quốc, một cộng đồng đang có dân số gia tăng tại Nhật Bản mặc dù bị giới hạn ở một số địa điểm nhất định, theo yêu cầu của các hiệp ước bất bình đẳng mà chính phủ Minh Trị bị buộc phải ký kết. Kiyochika miêu tả người phương Tây với vẻ ngoài ngốc nghếch, những món đồ gốm sứ hiện đại rẻ tiền họ mang theo cũng kém thẩm mỹ hơn đồ nội địa truyền thống.[11] Sự chỉ trích công khai của Kiyochika đối với cộng đồng ngoại quốc tỏ ra khác biệt so với các nhà biếm họa đương thời khác.[12] Ông miêu tả người Nga như những con trâu hèn nhát trong các bức tranh của mình vào thời Chiến tranh Nga-Nhật; nhìn chung chúng có chất lượng thấp hơn những tranh tiếu lâm từng được thực hiện trước đó.[13]

Các bản in của Kiyochika thể hiện sự quan tâm với ánh sáng và bóng râm, rất có thể là ảnh hưởng từ phong cách hội họa phương Tây thịnh hành ở Nhật Bản vào những năm 1870.[2] Ông chuyển sang sử dụng bảng màu dịu dàng hơn trong các bản in của mình, thay vì thuốc nhuộm anilin có sắc tố gắt hơn đã từng sử dụng trước đó.[14] Chuyên môn của ông chủ yếu tập trung vào buổi đêm, nơi cảnh vật sẽ được rọi sáng từ các nguồn sáng khác nhau, chẳng hạn như đèn đường.[2] Màu sắc thường mang lại cho bản họa một bầu không khí u ám, phần nào ngăn cản người xem với quá trình hiện đại hóa mà nó đang mô tả.[15]

Kiyochika đã áp dụng phối cảnh hình học kiểu phương Tây, mô hình ba chiều và chiaroscuro ở mức độ nhất định để tạo ra khác biệt so với phần lớn những nghệ sĩ ukiyo-e trước đó.[14] Các tác phẩm của ông cũng thể hiện sự ảnh hưởng từ Hiroshige ở cách mà đối tượng trong khung hình thường bị cắt bỏ tại các cạnh.[16]

Các bản in khắc gỗ của Kiyochika khác với những bản in thời Edo trước đó, không chỉ có kỹ thuật hội hoạ, mà cả các chủ đề mang hơi hướng của Châu Âu được đưa vào, từ những chiếc xe ngựa, tháp đồng hồ đến đường sắt tại Tokyo.[4] Phong cảnh thành phố hiện đại Kiyochika mang đến cho người xem thường là hoạt cảnh các đoàn người đến rồi lại đi, hơn là tập chung vào cảnh vật.[17] Chúng dường như mang đến các góc nhìn mới, thay vì phán xét quá trình hiện đại hóa công nghiệp mà đang được chính quyền Minh Trị thực hiện với khẩu hiệu fukoku kyōhei ("phú quốc cường binh"); điều này trái ngược lại với nghệ sĩ đương thời khác như Yoshitoshi, với các tác phẩm samurai chiến đấu nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống và chống lại các tư tưởng Tây phương hóa.[18]

Trong thời kỳ Edo, hầu hết các nghệ sĩ ukiyo-e thường xuyên tạo ra tranh khiêu dâm shunga, bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ. Vào thời Minh Trị, việc kiểm duyệt trở nên nghiêm ngặt hơn bởi chính phủ muốn thể hiện một Nhật Bản phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của phương Tây, do vậy mà sản xuất shunga cũng trở nên khan hiếm. Kiyochika là một trong số những nghệ sĩ chưa từng thực hiện bất kỳ tác phẩm nghệ thuật khiêu dâm nào.[19]

  • Con mèo và đèn lồng, 1877
  • Cầu treo dẫn vào lâu đài, k. 1879
  • Điện thờ Kanda sớm bình minh, 1880
  • Sáu biểu cảm khuôn mặt, 1884
  • Núi Tsukuba nhìn từ sông Sakura tại Hitachi, 1897